Mổ ruột thừa là một thủ thuật khá đơn giản và hay gặp trong y khoa. Tuy nhiên nếu không hiểu rõ về các nguyên tắc trước, trong và sau khi phẫu thuật sẽ gây nguy hiểm cho bệnh nhân. Một câu hỏi hay đặt ra chính là “Mổ ruột thừa bao lâu được ăn cơm?”. Bài viết sẽ giúp bạn đọc trả lời câu hỏi trên và cung cấp một số thông tin hữu ích khác xoay quanh phẫu thuật mổ ruột thừa.
Mục lục:
Tại sao phải mổ ruột thừa?
Mổ ruột thừa hay phẫu thuật cắt ruột thừa là một thủ thuật ngoại khoa nhằm cắt và loại bỏ ruột thừa. Cơ thể chúng ta vẫn có thể hoạt động bình thường khi không có ruột thừa. Nói cách khác, ảnh hưởng của ruột thừa đối với cơ thể con người hầu như không đáng kể.
Tuy nhiên đối với 2 trường hợp sau chúng ta cần bỏ bộ phận này đi:
Điều trị viêm ruột thừa: Viêm ruột thừa là tình trạng ruột thừa bị viêm và nhiễm trùng. Các triệu chứng của bệnh bao gồm: đau âm ỉ cục bộ hố chậu phải hoặc vùng bụng trên, quanh rốn, sau đó đau cục bộ hố chậu phải, kèm theo buồn nôn và nôn, rối loạn chức năng tiêu hóa, chán ăn, sốt nhẹ. Khi ruột thừa bị viêm, bệnh nhân nên được phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa càng sớm càng tốt. Nếu viêm ruột thừa không được điều trị, ổ viêm có thể vỡ ra, giải phóng vi khuẩn và các chất độc hại vào khoang bụng, dẫn đến viêm phúc mạc và đe dọa tính mạng.
Cắt ruột thừa để dự phòng: Phẫu thuật cắt ruột thừa dự phòng được dành cho những người không được chăm sóc y tế trong một thời gian dài, chẳng hạn như phi hành gia hoặc thủy thủ tàu du lịch.
Các phương pháp phẫu thuật cắt ruột thừa
Tùy thuộc vào tình trạng và mức độ nghiêm trọng của viêm ruột thừa, tiền sử bệnh, sức khỏe tổng thể và đôi khi là nhu cầu của bệnh nhân, bác sĩ phẫu thuật sẽ cân nhắc phẫu thuật mở hoặc nội soi.
Phẫu thuật mở: Khi đã sẵn sàng, bác sĩ sẽ rạch da 5cm ở vùng bụng dưới bên phải để bộc lộ ruột thừa bị viêm. Sau khi ruột thừa được cắt bỏ, vết rạch da được đóng lại bằng chỉ khâu có thể tự tiêu hoặc không thể tự tiêu.
Mổ nội soi: Với phương pháp này, bác sĩ sẽ rạch một đường nhỏ ở bụng, khoảng 0,5-1 cm.Thông qua vết rạch, bác sĩ sẽ đặt kênh thao tác để tiến hành phẫu thuật cắt ruột thừa. Đầu tiên bằng cách bơm carbon dioxide vào ổ bụng để tạo khoang làm việc và việc truyền hình ảnh trong quá trình mổ được thực hiện thông qua một camera đặc biệt. Máy ảnh sẽ hiển thị hình ảnh trên một màn hình đính kèm, cho phép bác sĩ phẫu thuật nhìn thấy bên trong bụng để cắt ruột thừa.
Mổ ruột thừa bao lâu được ăn cơm?
Phẫu thuật ruột thừa là can thiệp trực tiếp vào hệ tiêu hóa. Do đó việc ăn uống cần được quan tâm, chú trọng.
Sau khi làm phẫu thuật bao lâu thì được ăn cơm?
Sau mổ nội soi ruột thừa, người bệnh còn yếu, hệ tiêu hóa bị tổn thương và cần được ổn định. Vì vậy, người bệnh chỉ được ăn những thức ăn lỏng, mềm dễ tiêu hóa. Giúp tránh cho hệ tiêu hóa phải làm việc nhiều, ảnh hưởng đến vùng tổn thương sau mổ tại chỗ nối với ruột thừa.
Theo các chuyên gia, bệnh nhân chỉ được ăn cơm sau khi đi đại tiện. Những thực phẩm người bệnh nên ăn trong 1-2 ngày sau mổ ruột thừa như sữa, cháo,… Từ ngày thứ 3 bệnh nhân đi lại nhẹ nhàng, đại tiện được, ăn được cơm và thức ăn nhưng phải nấu thật mềm. Sau tuần đầu tiên, bệnh nhân có thể ăn uống bình thường.
Tuy nhiên, thể chất của mỗi người là khác nhau và tình trạng sức khỏe của họ cũng khác nhau nên bệnh nhân cần được theo dõi chặt chẽ sau phẫu thuật. Nếu người bệnh cảm thấy khó tiêu thì không nên ăn cơm tẻ ngay. Vì sẽ gây táo bón, không có lợi cho sức khỏe và sẽ ảnh hưởng đến bộ phận bị tổn thương.
Chế độ ăn cho người phẫu thuật ruột thừa
Sau mổ ruột thừa, ngoài việc chú ý chăm sóc vết mổ, chế độ dinh dưỡng của người bệnh cũng cần được quan tâm. Giai đoạn này người bệnh còn tương đối yếu nên việc bổ sung những thực phẩm giàu dinh dưỡng sẽ giúp người bệnh nhanh hồi phục hơn. Như là:
Ngày đầu ăn cháo: Ngày đầu bệnh nhân ăn cháo nhưng phải là cháo đặc như cháo tim, cháo bò, cháo gà, cháo lợn… Nhiều bệnh nhân vì người thân không hiểu điều này mà chỉ đút cháo cho bệnh nhân ăn. Cháo trắng (cháo hoa) sẽ khiến cơ thể không đủ chất dinh dưỡng.
Ăn cơm bình thường trở lại: Khi người bệnh ăn cơm trở lại bình thường thì các chất dinh dưỡng trong khẩu phần ăn cũng phải đầy đủ gồm tinh bột, đạm, chất xơ, chất béo.
Tránh ăn các thực phẩm cay nóng: Ngoài ra, người bệnh cần tránh ăn đồ cay nóng, kích thích dạ dày, gây đầy bụng, đồ ăn chế biến sẵn, nhiều dầu mỡ và các thực phẩm khó tiêu hóa khác.
Quá trình phục hồi sau phẫu thuật mổ ruột thừa
Bệnh nhân có thể trở lại sinh hoạt hàng ngày sau 1 ngày phẫu thuật. Tùy theo tính chất công việc, bệnh nhân có thể trở lại làm việc sau 2-3 ngày làm việc hành chính và 1 tuần làm việc thể chất.
Một số phản ứng phụ sau khi phẫu thuật ruột thừa
Sau khi phẫu thuật, bệnh nhân có thể gặp các triệu chứng sau:
– Nhức đầu chóng mặt nhẹ
– Buồn nôn hoặc nôn, ngứa họng
– Đau bụng hoặc đau dưới xương sườn bên phải
– Trong một số trường hợp, bí tiểu hoặc tiểu rắt có thể xảy ra.
Sau khi cắt ruột thừa xong, bệnh nhân cần nằm lại phòng hồi sức 1-2 tiếng, sau đó nằm giường 1-2 ngày để theo dõi và điều trị tại khoa trước khi về nhà. Một số loại thuốc giảm đau có thể được kê đơn để giúp bệnh nhân kiểm soát cơn đau.
Một số lưu ý cần nhớ sau phẫu thuật
Dưới đây là một số lời khuyên giúp bạn hồi phục tốt hơn sau phẫu thuật:
– Cố gắng tập thể dục càng sớm càng tốt và tuân thủ chế độ ăn kiêng do bác sĩ điều trị chỉ định, thông thường bệnh nhân sẽ bắt đầu bằng chế độ ăn lỏng khi cảm thấy đói.
– Rửa tay trước và sau khi chạm vào vết mổ.
– Hỗ trợ bụng bằng gối hoặc vật mềm khi ho, cười, hắt hơi hoặc bất kỳ chuyển động nào khác của bụng.
– Trong thời gian hồi phục sau phẫu thuật cắt ruột thừa, tránh tập thể dục và hoạt động gắng sức hoặc khuân vác vật nặng.
– Tránh tắm bằng bồn hoặc bơi trong 1 tháng.
– Làm theo hướng dẫn của bác sĩ về các bài tập phục hồi chức năng để giúp tăng cường khả năng phục hồi của bạn.
– Tránh các chất kích thích: rượu, bia, đồ sống.
– Báo ngay cho bác sĩ để xử lý các triệu chứng bất thường: đau lưng, sốt,…
Tóm lại, phẫu thuật cắt ruột thừa thực hiện khi ruột thừa bị viêm hoặc để dự phòng cho một số nhóm đối tượng. Bệnh nhân có thể ăn cơm cho đến khi đã có khả năng đi đại tiện. Bài viết trên đây đã giúp giải đáp thắc mắc “Mổ ruột thừa bao lâu được ăn cơm?” cũng như cung cấp một số lời khuyên giúp phục hồi nhanh sau phẫu thuật.