Ngày nay, xu hướng sử dụng các loại dược liệu thiên nhiên để phòng ngừa bệnh tật, triệu chứng thông thường ngày càng phổ biến. Ví dụ như sử dụng lá tía tô để hạ sốt sau tiêm phòng,…. Nhưng liệu khi sử dụng, mọi người đã hiểu rõ được công dụng cũng như cách dùng của vị thuốc đó chưa. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp những thông tin quan trọng về lá tía tô cũng như tác dụng của việc uống lá tía tô sau khi tiêm phòng.
Mục lục:
Công dụng của lá tía tô với sức khỏe
Lá tía tô là một dược liệu dân gian với nhiều tác dụng có lợi cho sức khỏe con người, đặc biệt trong giải cảm, trị cúm,…
Phòng bệnh đường hô hấp
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng dịch chiết lá tía tô có khả năng ức chế quá trình nhân lên của các loại virus gây bệnh đường hô hấp như SARS-CoV-2. Do đó, tía tô thường được sử dụng với mục đích hỗ trợ phòng ngừa các bệnh đường hô hấp do virus, đặc biệt là SARS-CoV-2.
Ngoài tác dụng trên, đối với hệ hô hấp, tía tô còn giúp làm giảm các cơn hen suyễn nhờ vào khả năng tăng lưu thông khí ở phổi, tăng cường chức năng hô hấp.
Có tác dụng làm đẹp da
Tía tô có khả năng làm sạch các tế bào chết, đồng thời cải thiện sắc tố của da, giúp làn da của bạn trở nên trắng sáng và đều màu hơn. Có được tác dụng này là nhờ vào hoạt chất Priseril chứa trong lá tía tô, bên cạnh vitamin E giúp cấp ẩm và tăng độ đàn hồi của da.
Khả năng chống dị ứng, bảo vệ sức khỏe tim mạch và thần kinh
Các thành phần có trong dịch chiết lá tía tô có khả năng chống dị ứng nhờ khả năng ức chế một số giai đoạn của phản ứng này.
Lá tía tô cung cấp một lượng lớn Omega-3 có tác dụng chống viêm và chống oxy hóa rất tốt. Do đó, sử dụng tía tô giúp ngăn ngừa các bệnh lý tim mạch như xơ vữa, nhồi màu,… Ngoài ra, Omega-3 còn cung cấp năng lượng giúp tăng cường khả năng hoạt động của não bộ, giảm thiểu nguy cơ mất trí nhớ ở người cao tuổi.
Hỗ trợ điều trị Gout và tác dụng tốt trên hệ tiêu hóa
Enzym xanthin oxidase có khả năng xúc tác hình thành acid uric, nguyên nhân gây ra bệnh Gout. Trong thành phần lá tía tô có tới 4 hoạt chất ức chế hoạt động của enzym này, từ đó làm giảm nồng độ acid uric trong máu, hỗ trợ điều trị bệnh Gout.
Ngoài ra, sử dụng dịch chiết lá tía tô hàng ngày có tác dụng cải thiện các triệu chứng xấu ở đường tiêu hóa như khó tiêu, táo bón, trào ngược dạ dày – thực quản.
Phòng ngừa các bệnh ung thư
Tía tô cung cấp luteolin, acid rosmarinic và triterpene có hiệu quả trong việc tiêu diệt và ức chế sự phát triển của các mầm mống ung thư trong cơ thể.
Uống lá tía tô sau tiêm phòng có tác dụng gì?
Với những công dụng trên, liệu sử dụng lá tía tô sau khi tiêm phòng có đem lại hiệu quả gì không? Có làm giảm các triệu chứng không mong muốn do tiêm phòng gây ra không?
Các tác dụng không mong muốn sau tiêm phòng
Sau khi tiêm phòng, các biểu hiện thường gặp như đau tại chỗ tiêm, sốt, ớn lạnh, nhức đầu, đau cơ, sưng tấy tại chỗ tiêm là những biểu hiện thường gặp, chỉ kéo dài vài ngày và sẽ tự biến mất. Vaccine giúp chúng ta không bị ốm và các tác dụng phụ từ nhẹ đến trung bình cho thấy vaccine và hệ thống miễn dịch của chúng ta đang thực hiện tốt công việc của chúng. Vì vậy, người dân không nên sử dụng thuốc hạ sốt để phòng bệnh trước và sau khi tiêm phòng, bởi điều này sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả của vaccine.
Đối với trường hợp sốt sau tiêm phòng, nếu sốt từ 38,5°C trở lên thì có thể dùng thuốc hạ sốt có chứa hoạt chất paracetamol theo liều khuyến cáo. Không dùng quá liều thuốc hạ sốt, nếu dùng sai liều lượng sẽ gây hại cho gan, thậm chí nếu uống liên tục không theo đơn còn gây ngộ độc, nguy hiểm đến chức năng gan, có thể tử vong.
Trong trường hợp sau khi tiêm phòng xảy ra triệu chứng sốt cao trên 39°C và không đáp ứng với thuốc hạ sốt, cần đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.
Uống lá tía tô sau tiêm phòng có tác dụng không?
Nhiều người nhầm tưởng và cho rằng uống nước lá tía tô để giảm đau, hạ sốt nhưng thực ra là không phù hợp và không có cơ sở khoa học. Bởi trong y học cổ truyền, lá tía tô là một loại dược liệu có nhiều tác dụng chữa bệnh khác nhau. Lá tía tô có tác dụng làm ra mồ hôi, chữa ho, giúp tiêu hóa, giảm đau, giải độc, trị cảm mạo, chữa ngộ độc do ăn cua, cá, nôn mửa, đau bụng, cành tía tô có tác dụng chữa ho, trừ đờm, bình suyễn,…
Vì vậy, việc uống nước tía tô trước và sau khi tiêm vaccine không có tác dụng hạ sốt hay tác dụng phụ của vaccine. Hơn nữa, nếu người dân uống nước lá tía tô hoặc dùng các bài thuốc dân gian khác để tránh các phản ứng dị ứng đáng tiếc sau khi tiêm vaccine, bác sĩ sẽ khó xác định nguyên nhân, nếu có của các tai biến sau tiêm vaccine. Vì vậy, khi đi tiêm phòng, bạn hãy chuẩn bị sẵn tinh thần, chú ý nghỉ ngơi, ăn uống đầy đủ, làm theo lời dặn của bác sĩ và theo dõi sức khỏe sau khi tiêm phòng.
Các biện pháp hạ sốt sau khi tiêm phòng cho trẻ đơn giản tại nhà
Trẻ em là đối tượng được tiêm phòng nhiều nhất và dễ xảy ra các phản ứng phụ, điển hình là sốt, sau khi tiêm. Dưới đây là một số cách hạ sốt hiệu quả ngay tại nhà cho bé.
Lau người bằng khăn ấm
Cách hạ sốt đơn giản cho trẻ là lau người bằng nước ấm. Hơi nước ấm bốc hơi, làm giãn nở mạch máu, giúp giải nhiệt cơ thể. Tiếp tục làm như vậy cho đến khi nhiệt độ của bé giảm xuống mức bình thường (37°C). Thông thường, nhiệt độ sẽ giảm trong khoảng 30-45 phút.
Uống nhiều nước
Cách dễ nhất để hạ sốt là cho trẻ uống nhiều nước. Khi trẻ bị sốt, nhiệt độ cơ thể tăng cao khiến trẻ bị mất nước. Để ngăn chặn điều này, cha mẹ nên khuyến khích trẻ uống càng nhiều nước càng tốt.
Trẻ bị sốt thường không đói nên thay vì ép trẻ ăn, hãy dỗ trẻ uống sữa. Bé lớn hơn có thể ăn cháo, súp hoặc thức ăn lỏng. Những món ăn này cũng cung cấp chất dinh dưỡng cho trẻ và cân bằng chất lỏng trong cơ thể.
Mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát
Khi trẻ bị sốt, cha mẹ không nên cho trẻ mặc quần áo dày sẽ khiến thân nhiệt tăng cao. Nếu trẻ sốt nhưng vẫn có thể sinh hoạt bình thường và ít ảnh hưởng đến sinh hoạt thì không cần cho trẻ uống thuốc hạ sốt. Chỉ cần mặc quần áo rộng rãi, thoáng khí,… nó cũng sẽ giúp giảm nhiệt độ và cơn sốt.
Sử dụng thuốc hạ sốt
Nên cho trẻ uống thuốc hạ sốt khi sốt trên 38,5°C. Acetaminophen (paracetamol) gói hoặc xi-rô đơn giản là thuốc hạ sốt dễ sử dụng giúp hạ sốt sau 30 phút và kéo dài trong 4-6 giờ. .Bạn cần cho trẻ uống đúng liều lượng theo quy định, 10-15mg/kg thể trọng/lần, nhắc lại sau 4-6 giờ nếu vẫn còn sốt.
Lưu ý rằng liều dùng cho trẻ sơ sinh và trẻ em dựa trên cân nặng và độ tuổi. Ngoài ra, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ nhi khoa trước khi cho bé uống bất kỳ loại thuốc nào. Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng thuốc trên bao bì và sử dụng thiết bị đo lường đặc biệt để đảm bảo con bạn đang dùng đúng liều lượng.
Tóm lại, lá tía tô là một dược liệu đem lại nhiều công dụng có lợi cho sức khỏe con người. Tuy nhiên, việc uống lá tía tô sau khi tiêm phòng không đem lại hiệu quả hạ sốt cũng như phòng ngừa các tác dụng phụ khác. Vì vậy, cần cẩn trọng khi sử dụng các bài thuốc dân gian trong chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là đối với trẻ em.